TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ sáu, Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 86  
 
2 7 7 9 9 4 7 8
 
 
Tin tức
Hội thảo “Cơ chế, chính sách tiền lương với cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành y tế”

Ngày 19/03/2013 Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách Y tế đã tổ chức Hội thảo tọa đàm xin ý kiến các chuyên gia về cơ chế chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo một số Vụ, Cục và đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các chuyên gia nguyên là lãnh đạo Bộ Y tế, nguyên là lãnh đạo các Vụ, Cục và đơn vị trực thuộc Bộ Y tế ở nhiều lĩnh vực trong ngành Y tế: PGS.TS Lê Văn Truyền – Nguyên Thứ trưởng Bộ Y Tế; GS.TS Lê Ngọc Trọng – Nguyên Thứ trưởng Bộ Y Tế; GS.TSKH. Phạm Mạnh Hùng – Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; GS.TS Trịnh Quân Huấn – Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; TS Nguyễn Bá Thủy – Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; GS.TS. Lê Vũ Anh – Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế Công cộng; GS.TS. Nguyễn Lân Việt – Viện trưởng Viện Tim mạch TW; TS. Dương Huy Liệu – Nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài Chính (Bộ Y Tế); BSCKII. Trịnh  Đình Cần – Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ Y Tế); TS. Ngô Toàn Định – Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ Y tế); GS.TS Trần Quỵ - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Hội nghị do TS. Lê Hồng Nguyên, Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương và GS.TS Lê Quang Cường, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế đồng chủ trì.

Các đại biểu tham gia Hội nghị đều cho rằng sự bất hợp lý trong hệ thống thang bảng lương trong hệ thống công lập cùng các cơ chế chính sách liên quan đã tồn tại từ lâu và đã gây ra nhiều hệ lụy trong phát triển nguồn nhân lực. Việc cải cách hệ thống thang bảng lương, cơ chế chính sách tiền lương là rất cấp thiết, tuy nhiên cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn do ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp và việc điều chỉnh sẽ liên quan tới nhiều ngành, nghề, nhiều nhóm lợi ích khác nhau.

Đối với ngành Y tế, các đại biểu cho rằng, để việc cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế đảm bảo tính công bằng, trước hết cần xuất phát từ quan điểm chỉ đạo của Đảng được thể hiện trong Nghị quyết 46-NQ/TW, ngày 23/02/2005 của Bộ chính trị, trong đó khẳng định: “Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”. Đây là luận điểm quan trọng để xây dựng cơ chế chính sách tiền lương cho ngành Y tế. So với các ngành nghề khác, nghề y có nhiều điểm đặc thù riêng như: thời gian đào tạo lâu hơn, điều kiện làm việc độc hại, môi trường làm việc nhiều áp lực trước tính mạng con người, đối tượng phục vụ của nghề y cũng là những nhóm ở trong hoàn cảnh đặc biệt, dễ bị tổn thương trong xã hội (bệnh nhân và người nhà bệnh nhân), … Vì vậy, để có chế độ đãi ngộ phù hợp với đặc thù của nghề y, việc đầu tiên là cần phải xây dựng một thang bảng lương riêng cho ngành Y tế, thể hiện rõ tính đặc thù của ngành Y so với các ngành nghề khác. Cho đến nay, mặc dù qua nhiều lần điều chỉnh, các chế độ chính sách lương và phụ cấp dành cho cán bộ y tế chưa thể hiện được sự ưu đãi “đặc thù” của nghề y.

Thứ hai, Đảng và Nhà nước cần “định vị” lại vị trí, vai trò của ngành y tế để xác định rõ những phần nào Nhà nước cần bao cấp, phần nào vận hành theo cơ chế thị trường, từ đó tập trung ngân sách ưu đãi cho các lĩnh vực, khu vực mà Nhà nước cần bao cấp, đầu tư để thực hiện công bằng trong thu nhập giữa các nhóm cán bộ y tế ở các lĩnh vực, vùng, miền khác nhau. Hiện tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ đã đưa ra các nguyên tắc phân loại được cơ bản các nhóm cơ sở y tế tiếp tục được Chính phủ bao cấp toàn phần, một phần hay tự cân đối kinh phí thu từ dịch vụ để hoạt động. Tuy nhiên, cần tiếp tục có sự chỉ đạo xác định rõ hơn vai trò và trách nhiệm của Chính phủ, Nhà nước trong việc đảm bảo các chế độ ưu đãi, các chính sách tài chính nhằm duy trì, phát triển nguồn nhân lực y tế ở các khu vực mà Nhà nước cần bao cấp để đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là duy trì và phát triển nhân lực y tế làm việc ở lĩnh vực y tế dự phòng, các lĩnh vực khó thu hút nhân lực, ở các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Các đại biểu cũng cho rằng, việc cải cách tiền lương lần này nên được nghiên cứu kỹ càng và phải giải quyết căn bản các bất hợp lý trong hệ thống thang bảng lương, đảm bảo tính công bằng trong chính sách tiền lương giữa các ngành, nghề, lĩnh vực, vùng miền và đặc biệt là tiền lương phải đủ để chi phí tái sản xuất sức lao động và khuyến khích được người lao động. Tuy nhiên, để thực hiện các quy trình cải cách tiền lương mới nêu trên có thể mất nhiều thời gian cho nên trong giai đoạn trước mắt Chính phủ vẫn cần sử dụng các chính sách phụ cấp để điều chỉnh kịp thời các bất hợp lý về chính sách tiền lương và thu nhập hiện tại của các ngành, nghề nói chung và ngành Y tế nói riêng trong khi chờ cơ chế chính sách tiền lương mới.

Ngày 22/03/2013
Viện Chiến lược và Chính sách Y tế  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.