TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ sáu, Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 4  
 
2 7 8 0 1 0 4 1
 
 
Các nghiên cứu khoa học Xã hội học y tế
Nghiên cứu kiến thức, thái độ, thực hành của người dân thuộc một số vùng dân tộc thiểu số đối với cúm a/h5n1

NGHIÊN CỨU KIẾN THỨC, THÁI ĐỘ, THỰC HÀNH CỦA NGƯỜI DÂN THUỘC MỘT SỐ VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ ĐỐI VỚI CÚM A/H5N1

 

Vũ Thị Minh Hạnh và cộng sự

Nơi công bố: Bộ Y tế

Năm công bố: 2008

 

Mục tiêu nghiên cứu: Tìm hiểu về kiến thức, thái độ, thực hành của người dân thuộc mười dân tộc thiểu số là đối tượng đích của chương trình phát thanh bằng tiếng dân tộc đối với phòng ngừa cúm A/H5N1. Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức, thái độ và hành vi thực hành của họ đối với việc phòng chống dịch cúm A/H5N1. Đề xuất các kiến nghị và giải pháp về các hình thức truyền thông nói chung, đặc biệt là bằng phương tiện phát thanh, truyền thanh nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường ý thức trách nhiệm của người dân thuộc nhóm dân tộc thiểu số trong việc phòng chống dịch cúm A/H5N1.

Đối tượng nghiên cứu: Người dân thuộc mười dân tộc thiểu số (HMông, Thái, Ba Na, Ê đê, Gia Rai, Cờ Ho, Mơ Nông, Xơ -Đăng, Chăm, Khơ - me) tại 3 miền trong cả nước sẽ được nghe tuyên truyền về phòng chống dịch cúm A/H5N1 trên làn sóng đài phát thanh tiếng nói Việt Nam.

Địa bàn nghiên cứu: Sơn La, Đắk Lắk, Ninh Thuận và Kiên Giang

Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích, kết hợp nghiên cứu định tính và định lượng.

Kết quả

•Chỉ số hiểu biết của người dân thuộc các dân tộc thiểu số về những thông tin chung liên quan đến phòng chống cúm A H5N1 như biết tên bệnh, mức độ nguy hiểm, đường lây, biện pháp xử lý khi gia cầm bị bệnh, biện phòng lây nhiễm cho gia cầm, biện pháp phòng lây nhiễm cho người ... tương đối cao.

•Tuy nhiên đối với một số thông tin cụ thể liên quan đến nguồn lây, triệu chứng của bệnh ở người, cách thức thông báo khi có gia cầm bị bệnh, cách nuôi gia cầm an toàn, các cách phòng bệnh cho gia cầm, các cách phòng bệnh cho bản thân... tỷ lệ người dân có hiểu biết chính xác, đầy đủ chưa nhiều. Phần đông dân cư (>60%) chưa nhận biết hết được các nguồn lây bệnh nhất là đối với các chất thải của gia cầm, đây có thể sẽ là yếu tố nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh. Tỷ lệ người biết thông báo thông tin về tình hình dịch tới đúng địa chỉ không cao, chỉ có >50%.

•Đáng chú ý là hiện nay ở hầu hết các tỉnh trong cả nước, phần đông dân cư vẫn ngộ nhận cho rằng chỉ xuất hiện dịch cúm ở gia cầm đối với những gia cầm nuôi nhốt tập trung và sử dụng thức ăn công nghiệp còn với gà nuôi thả rông thì không bị bệnh.

•Học vấn và mức sống là những yếu tố có ảnh hưởng rõ nét đối với nhận thức của người dân về phòng chống cúm A/H5N1. Do vậy đối tượng đích cần tăng cường hoạt động truyền thông trong thời gian tới là nhóm người nghèo, nhóm có trình độ học vấn thấp, đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở khu vực Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

•Chỉ số hành vi thực hành các biện pháp phòng bệnh trong chăn nuôi gia cầm của đồng bào các dân tộc thiểu số còn thấp. Hầu hết các hộ gia đình hiện vẫn đang nuôi gà theo tập quán cũ và thói quen cố hữu như thả rông, nuôi trong chuồng ngay gần nhà. Đặc biệt là ở các tỉnh miền Tây bộ hiện vẫn đang tồn tại thói quen nuôi gia cầm theo đàn và thả chạy đồng từ tỉnh này qua tỉnh khác tìm kiếm thức ăn thậm chí còn chạy sang cả Căm-pu-chia. Đây là một thói quen tiềm ẩn nguy cơ cao có thể dẫn đến sự bùng phát của dịch bệnh. Tỷ lệ hộ gia đình có tiêm phòng vắc xin cho gia cầm còn thấp (38,5%).

•Có khoảng cách rất lớn giữa nhận thức và hành vi an toàn trong phòng lây nhiễm cúm A/H5N1 của người dân. Tỷ lệ người dân có hành vi an toàn trong phòng lây nhiễm cúm A/H5N1 cho bản thân trong chế biến cũng như sử dụng sản phẩm gia cầm không cao.

•Nhận thức và hành vi thực hành của người dân trong phòng chống dịch tuy có khoảng cách lớn song vẫn có mối liên quan đồng biến với nhau. Những người biết từ ba cách phòng bệnh trở lên cũng có chỉ số thực hành tốt hơn so với người chỉ biết một cách phòng bệnh.

•Có tỷ lệ đáng kể người dân hiện vẫn mong muốn được tiếp nhận thông tin về sự nguy hiểm của dịch cúm như các triệu chứng của gia cầm bị bệnh và người bị bệnh, tình hình dịch trên thế giới và trong nước… Kênh truyền thông mà người dân ưa thích là truyền hình, đài phát thanh và loa truyền thanh, tuyên truyền trực tiếp. Ngôn ngữ tuyên truyền theo mong đợi của người dân là: tiếng phổ thông trong phương tiện nghe/nhìn (57,6%), tiếng dân tộc (38,9%), chữ phổ thông trong ngôn ngữ viết (62,4%), chữ dân tộc (20,1%).

•Thời gian tuyên truyền phù hợp với truyền hình là vào khoảng từ 19 đến 22 giờ, với đài phát thanh là từ 5 đến 8 giờ và từ 16 đến 19 giờ. Kênh truyền hình được nhiều người ưa thích là VTV3 và VTV1. Đài phát thanh địa phương được nhiều người thích nghe nhất, tiếp đến là đài tiếng nói Việt .

Khuyến nghị

•Các nhóm đối tượng đích cần được chú trọng trong truyền thông về phòng chống cúm A/H5N1 thời gian tới là nhóm người nghèo, nhóm có trình độ học vấn thấp, nhóm có thói quen nuôi gia cầm chạy đồng, đồng bào các dân tộc thiểu số ở các khu vực Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

•Nội dung các thông điệp cần tiếp tục tuyên truyền gồm có: Mức độ nguy hiểm của bệnh trong đó cần cập nhật những số liệu về các trường hợp nhiễm mới trên thế giới, ở trong nước; cung cấp các thông tin về sự biến đổi của virus... ; Nguồn lây lan cần đề cập đầy đủ và chi tiết tất cả những tác nhân có thể làm lây truyền như: phân, dớt dãi gia cầm bị bệnh, chuồng trại nhiễm bệnh...; Cách nuôi gia cầm an toàn: chọn gia cầm có nguồn gốc, nhốt riêng gia cầm mới, nuôi gia cầm trong khu có rào chắn và ở cách xa nhà, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, không nuôi gia cầm chạy đồng và ở ao đầm...; Cách thức xử lý khi có gia cầm bị bệnh như thông báo dịch cho ai, chôn hủy gia cầm như thế nào đó chú ý cập nhật những triệu chứng mới xuất hiện ở gia cầm và ở người, các biện pháp phòng lây nhiễm trong chế biến và sử dụng sản phẩm của gia cầm...

•Về các kênh truyền thông cần huy động: Biên soạn và phát hành các tờ rơi với nhiều hình ảnh sinh động, dễ hiểu nhằm hướng dẫn người dân các cách phòng ngừa lây nhiễm bệnh cho gia cầm và người; Tổ chức các hội thảo, sinh hoạt khoa học nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong xử lý ổ dịch và điều trị; Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng đặc biệt là truyền hình Trung ương vào thời điểm từ 19 đến 22 giờ hàng ngày theo hình thức phóng sự, thời sự sử dụng tiếng dân tộc của một số vùng, miền...; Biên tập và phát sóng trên sóng của đài phát thanh địa phương và đài tiếng nói Việt Nam bằng tiếng dân tộc phù hợp với từng vùng, từng miền; truyền tải qua hệ thống loa truyền thanh vào thời điểm có nhiều người nghe trong ngày như sáng sớm và chiều tối... Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trực tiếp với sự tham gia của nhân viên y tế và cán bộ đoàn thể tại các khu dân cư chú ý đến việc sử dụng tiếng dân tộc ở địa phương....

Ngày 04/03/2009
 
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.