TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ tư, Ngày 08 Tháng 05 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 17  
 
2 7 8 4 3 2 3 8
 
 
Các nghiên cứu khoa học Tài chính y tế
PHÁT TRIỂN BẢO HIỂM Y TẾ Ở NÔNG THÔN CÔNG BẰNG VÀ BỀN VỮNG NHẰM NÂNG CAO CHĂM SÓC SỨC KHOẺ NGƯỜI DÂN

PHÁT TRIỂN BẢO HIỂM Y TẾ Ở NÔNG THÔN CÔNG BẰNG VÀ BỀN VỮNG NHẰM NÂNG CAO CHĂM SÓC SỨC KHOẺ NGƯỜI DÂN -

BÁO CÁO KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỊNH TÍNH

Đàm Viết Cương, Trần Văn Tiến,

Nguyễn Khánh Phương, Trần Thị Mai Oanh

Hoàng Thị Phượng, Dương Huy Lương và cộng sự

 

Nơi công bố: Viện Chiến lược và Chính sách Y tế

Năm công bố: 2007

 

Mục tiêu nghiên cứu: Tìm hiểu nhận thức của các nhóm đối tượng khác nhau về BHYT, tìm hiều kiến thức/hiểu biết của người dân về các mô hình BHYT hiện tại, phân tích khả năng tham gia BHYT của người dân và nêu lên một số khuyến nghị phục vụ xây dựng các can thiệp hợp lý.

 

Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính gồm phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm. Số liệu thu thập được phân tích theo phương pháp phân tích mã hóa.Đối tượng đích nghiên cứu bao gồm đại diện chính quyền địa phương, đại diện ngành y tế và BHXH các cấp, đại diện các tổ chức xã hội, đoàn thể và các nhóm dân cư tham gia BHYT và không tham gia BHYT.

 

Kết quả nghiên cứu: (1) Hầu hết các đối tượng tham gia nghiên cứu nhận thức được mục đích và ý nghĩa của BHYT. Các nhóm đối tượng khác nhau nhận thức về BHYT ở mức độ khác nhau; (2) Hiểu biết về các mô hình BHYT của các đối tượng nghiên cứu khác nhau ở mức độ khác nhau. Nhóm tham gia BHYT bắt buộc hiểu biết khá đầy đủ về các mô hình BHYT trong khi các nhóm còn lại hiểu biết hạn chế hơn; (3) Trừ nhóm tham gia BHYT bắt buộc, các nhóm khác không hài lòng với các mô hình BHYT hiện tại. Lý do khiến các nhóm không hài lòng gồm: mức phí BHYT cao, thẻ BHYT được cấp phát chậm chễ, thông tin trên thẻ không chính xác, thiếu thông tin về BHYT và không có cơ chế phản hồi. Các đối tượng tham gia nghiên cứu không hài lòng với dịch vụ KCB BHYT do phải chờ đợi lâu, quy trình KCB phức tạp, dịch vụ kém chất lượng, quyền lợi được hưởng hạn chế, thái độ của nhân viên y tế thiếu tận tình; (4) Người dân không sẵn sàng tham gia BHYT do thuốc BHYT và các dịch vụ xét nghiệm tại bệnh viện còn hạn chế; (5) Nhiều người dân chỉ sử dụng thẻ BHYT khi đi KCB nội trú. Khi ốm đau, người dân lựa chọn KCB tại cơ sở y tế nhà nước hay tư nhân phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Người dân thường đến các cơ sở y tế tư nhân và mua thuốc tại nhà thuốc tư khi mắc các bệnh thông thường. Mua thuốc tại nhà thuốc tư là hiện tượng phổ biến đối với cả người có BHYT và không có BHYT; (6) Việc triển khai các chính sách BHYT trên thực tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về phía cả cơ quan BHXH và các cơ sở cung ứng dịch vụ y tế. Về phía cơ quan BHYT, đội ngũ tuyên truyền cung cấp thông tin về BHYT không được tập huấn/đào tạo nâng cao kỹ năng truyền thông, kinh phí cho truyền thông còn hạn chế, cán bộ Bảo hiểm xã hội Việt Nam làm công tác giám định tại các cơ sở y tế còn thiếu, cơ chế giám sát triển khai BHYT chưa được thực hiện. Về phía các cơ sở cung ứng dịch vụ y tế, trần thanh toán do bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định còn hạn chế, nguy cơ bội chi và tình trạng quá tải tại bệnh viện thường xuyên xảy ra, Bảo hiểm xã hội Việt Namchậm trễ hoàn phí BHYT và mức hoàn phí không đủ so với số chi, trang thiết bị và cơ sở vất chất còn hạn chế; (7) Người dân mong muốn cơ quan BHXH tăng cường cung cấp thông tin về BHYT, cải tiến các thủ tục hành chính, hỗ trợ tài chính cho các đối tượng tham gia BHYT tự nguyện. Người dân cũng mong muốn các cơ sở y tế nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư nhiều hơn về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho tuyến xã, tổ chức KCB định kỳ cho người dân.

 

Kết luận: (1) Việc phổ biến kiến thức và truyền thông về BHYT còn hạn chế; (2) Do đó, nhận thức của dân về BHYT hạn chế; (3) Năng lực quản lý của cán bộ Bảo hiểm xã hội Việt Nam ở các cấp còn yếu và cần được nâng cao; (4) Chất lượng dịch vụ KCB BHYT còn kém do gói quyền lợi BHYT hạn chế; (5) Người dân chưa sẵn sàng tham gia vào các mô hình BHYT.

 

Khuyến nghị: (1) Chiến lược mở rộng BHYT và tăng cường sử dụng dịch vụ KCB BHYT cần quan tâm tới cả hai phương diện: tăng cường các hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về BHYT, nâng cao năng lực của cán bộ BHXH để triển khai BHYT hiệu quả hơn; (2) Nâng cao chất lượng dịch vụ KCB BHYT ở các tuyến đặc biệt là tuyến xã nhằm tăng cường việc tiếp cận các dịch vụ y tế.

Ngày 26/02/2009
 
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.