TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ sáu, Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 22  
 
2 7 7 9 7 1 7 6
 
 
Các nghiên cứu khoa học Dân số
ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG TRIỂN KHAI CHÍNH SÁCH KIỂM SOÁT MỨC SINH TẠI MỘT SỐ TỈNH/THÀNH PHỐ

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG TRIỂN KHAI CHÍNH SÁCH KIỂM SOÁT MỨC SINH TẠI MỘT SỐ TỈNH/THÀNH PHỐ

ThS.Nguyễn Thị Thanh; ThS. Nguyễn Thị Tố Quyên; ThS. Vũ Thị Minh Hạnh; 

TS. Nguyễn Văn Hùng; TS. Trần Đức Thuận; CN. Ngô Văn Vương và cộng sự

Nơi công bố: Viện Chiến lược và Chính sách Y tế

Năm công bố: 2021


TÓM TẮT

Để cung cấp bằng chứng cho việc giải quyết bài toán co hẹp mức sinh giữa các vùng, các đối tượng đến năm 2030 nhưng vẫn duy trì mức sinh thay thế trên cả nước theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW, đề xuất giải pháp để triển khai hiệu quả chính sách kiểm soát mức sinh trong thời gian tới, Viện Chiến lược và Chính sách y tế đã tiến hành nghiên cứu “Đánh giá thực trạng triển khai chính sách kiểm soát mức sinh tại một số tỉnh/thành phố”.

MỤC TIÊU

• Đánh giá thực trạng triển khai chính sách kiểm soát mức sinh.

• Phân tích yếu tố ảnh hưởng đến mức sinh.

• Đề xuất giải pháp triển khai hiệu quả chính sách kiểm soát mức sinh. 

ĐỊA BÀN

Nghiên cứu được thực hiện tại 6 tỉnh: Hòa Bình, Hồ Chí Minh, Hà Nội, Gia Lai, Hà Tĩnh

CÁC PHÁT HIỆN CHÍNH

Các địa bàn khảo sát đều căn cứ vào Chiến lược Dân số và SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2011 để xây dựng Chiến lược Dân số và SKSS phù hợp với địa phương, trong đó có mục tiêu kiểm soát mức sinh.

Các địa bàn khảo sát đều đưa ra mục tiêu cụ thể và các chỉ tiêu liên quan đến chính sách kiểm soát mức sinh. Tỉnh Hà Tĩnh và Gia Lai là địa bàn có mức sinh cao nên đưa ra mục tiêu giảm sinh. Tỉnh Hòa Bình và thành phố Hà Nội đưa ra mục tiêu duy trì mức sinh thay thế. Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra mục tiêu duy trì mức sinh hợp lý.

Các địa bàn khảo sát đều thực hiện giải pháp đồng bộ để mong muốn đạt được mục tiêu kiểm soát mức sinh: nhóm giải pháp về lãnh đạo, tổ chức quản lý; nhóm giải pháp về truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi; nhóm giải pháp về thực hiện phối hợp liên ngành; nhóm giải pháp về kiểm tra, giám sát.

Mỗi địa bàn khảo sát đều có những khó khăn khi thực hiện chính sách kiểm soát mức sinh: Khó khăn khi triển khai chính sách trong thực tế hay khó khăn trong phối hợp liên ngành. Đặc biệt khó khăn về kinh phí thực hiện, kinh phí trung ương chuyển về chậm, kinh phí địa phương dành cho công tác Dân số - KHHGĐ ít, không đủ để triển khai thực hiện chính sách kiểm soát mức sinh như đã đề ra.

Cả 5 tỉnh, thành phố tham gia khảo sát đều không đạt được mục tiêu kiểm soát mức sinh đã đề ra trong giai đoạn 2011-2020. 

- Tỉnh Hà Tĩnh với mục tiêu giảm tỷ suất sinh đến năm 2015 xuống 2,1 con/1 phụ nữ, tuy nhiên con số thực tế là 2,65 con/phụ nữ và tăng lên 2,83 con/phụ nữ vào năm 2019, đứng đầu trong cả nước về mức sinh cao. 

- Tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu đạt mức sinh 2,34 con/phụ nữ vào năm 2020 nhưng thực tế là 2,49 con/phụ nữ năm 2019.   

- Tỉnh Hòa Bình với mục tiêu đặt ra TFR dưới 1,9 con vào năm 2015, nhưng trên thực tế TFR = 2,84 con/phụ nữ năm 2015 và giảm xuống 2,34 con/phụ nữ năm 2019.

- Thành phố Hà Nội TFR = 2,24 con/phụ nữ năm 2019 cũng không đạt được mục tiêu đề ra vẫn duy trì mức sinh thay thế vào năm 2020.

- Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn tăng mức sinh vào năm 2020 từ 1,7 con/phụ nữ đến 1,9 con/phụ nữ, nhưng trên thực tế TFR của Hồ Chí Minh năm 2019 là 1,39 con/phụ nữ, là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước trong vòng hơn 20 năm qua.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mức sinh của các địa phương: yếu tố tuổi và trình độ học vấn của phụ nữ; Yếu tố mức sống, đặc điểm sống của gia đình; Yếu tố phong tục ưa thích sinh con trai; Yếu tố di cư và yếu tố tuổi kết hôn trung bình lần đầu và tuổi sinh con lần đầu. Tất cả những yếu tố này đều tác động làm giảm hoặc tăng mức sinh của các địa phương.  

KHUYẾN NGHỊ

• Khuyến nghị chung

Ổn định bộ máy tổ chức thực hiện công tác Dân số từ Trung ương xuống địa phương.

Bố trí kinh phí mở các lớp đào tạo, tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác Dân số và phát triển đặc biệt là tuyến cơ sở.

• Khuyến nghị riêng

- Tại các tỉnh mức sinh thấp

Tại các tỉnh có mức sinh thấp (TFR <= 1,6) Chính phủ cần có văn bản chỉ đạo, Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn các địa phương thí điểm hỗ trợ thủ tục, ưu tiên vay vốn và cho mua nhà ở xã hội cho các gia đình sinh đủ hai con; Chỉ đạo ngành giáo dục mở rộng các hình thức trông trẻ tại các cơ sở giáo dục từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi; Chỉ đạo Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam bổ sung đối tượng là những cặp vợ chồng sinh đủ 2 con nhưng không có thẻ BHYT được cấp thẻ BHYT; Chính phủ cần có văn bản chỉ đạo để các địa phương có căn cứ miễn học phí học phí ở tất cả các cấp học cho các cháu là con thứ 2 của gia đình. 

Tại các tỉnh mức sinh thấp, Bộ Y tế cần giao chỉ tiêu tăng sinh để từng bước nâng mức sinh tại các tỉnh này về mức sinh thay thế; Không giao bắt buộc về một số chỉ tiêu KHHGĐ nhất là chỉ tiêu triệt sản; Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế công lập hỗ trợ chi phí sử dụng các dịch vụ liên quan đến thai sản (khám thai, sinh con, các dịch vụ sàng lọc v.v...) cho các cặp vợ chồng sinh con thứ 2.

Các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp cần tăng cường hoạt động truyền thông, bổ sung thông điệp truyền thông thay đổi định hướng giá trị, không quá đề cao việc thỏa mãn nhu cầu trước mắt của các cặp vợ chồng mà phải hướng tới giá trị bền vững về quy mô gia đình, quy mô dân số của vùng của quốc gia ; Tỉnh không giao chỉ tiêu giảm sinh cho các quận/huyện, huyện không giao chỉ tiêu giảm sinh cho các xã/phường/thị trấn; Các tỉnh phải nhất quán để thống nhất trong toàn tỉnh trong việc in ấn tài liệu truyền thông, thông điệp truyền thông ngay cả tại các huyện/quận, xã/phường mức sinh con cao.

Tại các các địa phương đã thay đổi thông điệp từ « mỗi cặp vợ chồng nên sinh từ 1- 2 con » sang thông điệp « mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con » cần nhấn mạnh đến những hạn chế của việc sinh 1 con. Đội ngũ cộng tác viên, cán bộ chuyên trách dân số cần giải thích để người dân hiểu rõ hơn lý do thay đổi nội dung thông điệp truyền thông; Cần giám sát chặt chẽ hơn quy định xử phạt đối đảng viên sinh con thứ 3 trở lên.

- Tại vùng có mức sinh cao – thực hiện giảm sinh

Chính phủ chỉ đạo cho các bộ ngành liên quan mở rộng nhóm đối tượng được sử dụng miễn phí các PTTT; Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính bổ sung kinh phí để mua PTTT khi mở rộng các đối tượng được sử dụng các PTTT miễn phí.

Bộ Y tế chỉ đạo các vùng mức sinh cao tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm sinh, công tác truyền thông cần hướng đến ưu tiên lựa chọn các đối tượng đích phù hợp; Giao chỉ tiêu giảm sinh nhất là giảm tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên.

Bộ Y tế cần làm việc với Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 26/2018/TT-BTC, ngày 21 tháng 3 năm 2018 về quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020. Trong đó cần mở rộng mở rộng các đối tượng được sử dụng các PTTT miễn phí.

Các địa phương có mức sinh cao, công tác truyền thông thời gian tới cần tập trung vào nhóm đối tượng theo đạo thiên chúa giáo và những người không theo tôn giáo. Những hộ gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, những gia đình bố mẹ còn trẻ nhưng con cái đã trưởng thành và đi làm ăn xa, những đối tượng sống trong gia đình nhiều thế hệ; Tăng cường công tác truyền thông chính sách dân số-KHHGĐ, luật hôn nhân và gia đình dưới mọi hình thức, nhất là truyền thông trực tiếp với sự hỗ trợ của phương tiện truyền thông có nhiều hình ảnh, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng dân cư.

 

 

 

 

 

 

 

Ngày 18/11/2021
Khoa Dân số Phát triển  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.