TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ năm, Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 24  
 
2 7 7 8 9 4 1 9
 
 
Các nghiên cứu khoa học Dân số
Đánh giá nhu cầu và khả năng cung cấp dịch vụ tư vấn SKSS – KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên và khám sức khỏe tiền hôn nhân tại một số tỉnh/thành phố

Đánh giá nhu cầu và khả năng cung cấp dịch vụ tư vấn SKSS – KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên và khám sức khỏe tiền hôn nhân tại một số tỉnh/thành phố

Chủ nhiệm đề tài: ThS. Nguyễn Văn Hùng


1. Mở đầu

Chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) VTN/TN là một trong những nội dung cơ bản đã được nhiều quốc gia hết sức quan tâm và nỗ lực thực hiện. Ở Việt Nam, kết quả một số nghiên cứu gần đây cho thấy VTN/TN đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức như thiếu thông tin, kiến thức về CSSKSS và thiếu dịch vụ thích hợp cho lứa tuổi. 

Năm 2003, Uỷ ban dân số, Gia đình và Trẻ em đã thí điểm tại 3 tỉnh/TP trong cả nước mô hình can thiệp cho VTN/TN và đối tượng chuẩn bị kết hôn nhằm tăng cường cung cấp cho các nhóm đối tượng đích kiến thức, kỹ năng thực hành CSSKSS cùng những kỹ năng sống cơ bản để chuẩn bị cho họ bước vào cuộc sống gia đình. Ngày 07/01/2011, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 25/QĐ-BYT về việc Quy trình Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, trên cơ sở đó Việt nam đã thống nhất một tên gọi cho mô hình. Đến năm 2013, mô hình đã được triển khai rộng khắp trong 63 tỉnh/thành phố. Tuy nhiên, việc triển khai các hoạt động tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Sau hơn 11 năm triển khai thực hiện, số VTN/TN tiếp cận các dịch vụ khám cận lâm sàng (siêu âm, xét  nghiệm) và tư vấn SKSS/KHHGĐ còn hạn hẹp. Về phía các cơ sở cung cấp dịch vụ, hiện cũng chưa có những quy định cụ thể cho việc đơn vị nào được cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân, danh mục dịch vụ thiết yếu cần cung cấp chiếm bao nhiêu % so với quy định.... Về tính pháp lý, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Dân số, hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều trong đề xuất về quy định pháp lý đối với vấn đề này. Thực tế trên đòi hỏi cần tiến hành nghiên cứu “Đánh giá nhu cầu và khả năng cung cấp dịch vụ tư vấn SKSS/KHHGĐ cho VTN/TN và khám sức khỏe tiền hôn nhân tại một số tỉnh/thành phố”.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Mục tiêu chung

Cung cấp bằng chứng, đề xuất ban hành quy định pháp lý khả thi phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ tư vấn SKSS/KHHGĐ cho VTN/TN và khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Mục tiêu cụ thể

1. Đánh giá sự chấp nhận của cộng đồng, nhu cầu của VTN/TN đối với dịch vụ tư vấn SKSS/KHHGĐ và khám sức khỏe tiền hôn nhân tại một số tỉnh/thành phố.

2. Phân tích khả năng cung cấp dịch vụ tư vấn SKSS/KHHGĐ và khám sức khỏe tiền hôn nhân cho VTN/TN tại các địa bàn nghiên cứu.

3. Phân tích một số yếu tố liên quan đến nhu cầu và khả năng tiếp cận dịch vụ tư vấn SKSS/KHHGĐ và khám sức khỏe tiền hôn nhân của nhóm VTN/TN.

4. Đề xuất một số giải pháp nhất là việc ban hành các văn bản pháp lý nhằm tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ tư vấn SKSS/KHHGĐ và khám sức khỏe tiền hôn nhân.

3. Phương pháp nghiên cứu 

3.1. Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang, sử dụng phương pháp định lượng kết hợp định tính và kết hợp phân tích số liệu thứ cấp và sơ cấp: 

3.2. Đối tượng nghiên cứu:

- Nhóm lãnh đạo và quản lý: Tổng Cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình; Vụ Sức khỏe, Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế); Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh/thành phố; Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh/thành phố; Bệnh viện công lập tuyến tỉnh/thành phố. Lãnh đạo Trung tâm DS-KHHGĐ quận/huyện; Trung tâm Y tế; Bệnh viện quận/huyện; Lãnh đạo Trạm Y tế và cán bộ phụ trách các mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân tại xã/phường/thị trấn.

- Nhóm có uy tín trong cộng đồng: Trưởng thôn/bản; Trưởng họ, già làng; Đức cha/nhà sư/tu hành/ban ngành đoàn thể; Ông bà/cha mẹ của VTN/TN.

- Nhóm cung cấp dịch vụ: Nhóm cán bộ tư vấn tại các mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; Nhóm cán bộ, NVYT cung cấp dịch tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.

- Nhóm hưởng lợi: TN đã kết hôn (từ năm 2010) đã sử dụng và chưa sử dụng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; VTN, TN chưa kết hôn (18-25 tuổi) đã sử dụng và chưa sử dụng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân.

3.3. Thời gian và địa điểm:

- Thời gian: Từ tháng 4/2014 đến tháng 11/2017.

- Địa điểm: Tại 5 tỉnh/thành phố Điện Biên, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Gia Lai, Cần Thơ.

3.4. Nghiên cứu định lượng:

Nghiên cứu áp dụng phương pháp chọn mẫu phân tầng. Theo thiết kế ban đầu, tổng số VTN/TN mời tham phỏng vấn phiếu hỏi là 770 người, tại mỗi tỉnh, thành phố là 126 đối tượng. Trên thực tế, nhiều đối tượng nghiên cứu trong danh sách chọn mẫu vắng mặt do đi làm nên có 669 VTN/TN trả lời phỏng vấn bảng hỏi. 

3.5. Nghiên cứu định tính:

Nghiên cứu đã tiến hành PVS và TLN đối với các đối tượng nghiên cứu để thu thập thông tin sâu liên quan đến tổ chức mạng lưới, giám sát, thực hành cung cấp dịch vụ cũng như nhận định của gia đình, xã hội, của VTN/TN với dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Mức độ chấp nhận của cộng đồng và nhu cầu của VTN/TN với dịch vụ tư vấn 

4.1.1. Hiểu biết của cộng đồng về tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân

- Về tư vấn SKSS/KHHGĐ: Nhìn chung, người dân chưa biết nhiều về địa chỉ, nội dung cũng như giá dịch vụ tư vấn SKSS/KHHGĐ cho VTN/TN trước khi kết hôn. VTN/TN có biết địa chỉ cũng cấp thông tin, tư vấn về SKSS/KHHGĐ, trong đó nhiều nhất là Trạm Y tế phường (54,6%); tiếp đến là cộng tác viên dân số/y tế thôn bản (51,6%) và Internet (46,5%). Trong số 669 VTN/TN được phỏng vấn, có 479 người (chiếm 71,6%) trả lời đã nghe/biết về SKSS/KHHGĐ, trong đó KHHGĐ và các BPTT có tỷ lệ được nghe/biết cao nhất (74,7%), tiếp đến là tình dục an toàn (52,1%). Có 91,7% số VTN/TN được hỏi cho rằng sử dụng dịch vụ tư vấn về SKSS/KHHGĐ hiện nay không mất tiền, chỉ có 1,7% số người được hỏi trả lời phải trả công tư vấn và 1,2% số người được hỏi trả lời phải chi trả chi phí gián tiếp cho việc đi lại, ăn ở.

- Về dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân: Người dân không có thông tin về cơ sở cung cấp dịch vụ, gói dịch vụ và giá dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân. VTN/TN hiểu chưa thống nhất về địa điểm cung cấp dịch vụ; biết chưa đầy đủ, chưa cụ thể về nội dung và giá của gói dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân theo quy định của Bộ Y tế. 

4.1.2. Sự chấp nhận của cộng đồng với dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân.

- Với dịch vụ tư vấn SKSS/KHHGĐ

Nhận định về sự cần thiết: Người dân và VTN/TN đều khẳng định về sự cần thiết của chương trình này, vì nếu được tư vấn về SKSS/KHHGĐ sẽ giúp các em có thêm thông tin để điều chỉnh hành vi, lối sống phù hợp hơn, có thêm thông tin, kiến thức, biết cách phòng tránh những vấn đề liên quan. 

Sự chấp nhận của cộng đồng: Người dân chưa chủ động nhắc nhở con cái đi tư vấn SKSS/KHHGĐ trước khi kết hôn, do thiếu thông tin và không hiểu biết về dịch vụ.

- Với dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân

Nhận định về sự cần thiết: Người dân và VTN/TN nhận định khám sức khỏe tiền hôn nhân là cần thiết, giúp VTN/TN biết về tình trạng sức khỏe của bản thân, điều trị kịp thời khi có bệnh.

Sự chấp nhận của cộng đồng: Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau đối với quy định về bắt buộc nam nữ thanh niên khám sức khỏe trước khi kết hôn giữa các địa phương, khi tại một số tỉnh miền núi, người dân chưa sẵn sàng chấp nhận việc VTN/TN đi khám sức khỏe trước khi kết hôn, nhất là người dân miền núi, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số,  do bị chi phối bởi phong tục tập quán, thói quen sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh.

4.1.3. Nhu cầu được tiếp cận dịch vụ tư vấn SKSS/KHHGĐ, khám sức khỏe tiền hôn nhân của VTN/TN

- Nhu cầu được thông tin về tư vấn SKSS/KHHGĐ

Nhu cầu được tiếp cận thông tin của VTN/TN: Có 85,2% số người được hỏi trả lời có nhu cầu tiếp cận thông tin SKSS/KHHGĐ trong thời gian tới. Nội dung về SKSS/KHHGĐ mà VTN/TN có nhu cầu được biết nhiều nhất là tâm sinh lý, tình bạn, tình yêu, tuổi vị thành niên, thanh niên; tiếp đến là phòng tránh xử trí viêm nhiễm đường sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV; Kế hoạch hóa gia đình và sử dụng BPTT, phòng ngừa có thai ngoài ý muốn và phá thai an toàn.

Nhu cầu về kênh cung cấp thông tin tư vấn SKSS/KHHGĐ của VTN/TN: Các kênh thông tin, tư vấn về SKSS/KHHGĐ từ cộng tác viên dân số; tại các câu lạc bộ; Trạm Y tế xã/phường và hệ thống Internet có tính phù hợp cao nhất 

Thực trạng tiếp cận dịch vụ tư vấn SKSS/KHHGĐ của VTN/TN: 62,3% VTN/TN trả lời đã được tư vấn SKSS/KHHGĐ, trong đó, các nội dung về SKSS/KHHGĐ; tình dục an toàn, kế hoạch hóa gia đình và các BPTT là những nội dung VTN/TN đã được tư vấn nhiều nhất 

Mức độ hài lòng của VTN/TN đối với dịch vụ tư vấn SKSS/KHHGĐ: Trên 1/2 số VTN/TN đã hài lòng với dịch vụ tư vấn về SKSS/KHHGĐ đã được tiếp cận.

- Nhu cầu khám sức khỏe tiền hôn nhân

Nhu cầu được cung cấp thông tin về dịch vụ: Về thông tin là mức độ quan trọng của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn; tiếp đến là quy trình khám, các xét nghiệm cần làm và địa chỉ cơ sở y tế cung cấp dịch vụ. Kênh thông tin về dịch vụ khám sức khỏe trước khi kết hôn phù hợp với VTN/TN hiện nay gồm tivi, báo, tạp chí và Internet.

Tiếp cận dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân của VTN/TN: Chỉ có 15,4% VTN/TN đã sử dụng dịch vụ khám sức khỏe trước khi kết hôn, trong đó có 50,5% VTN/TN trả lời đã đi khám sức khỏe tiền hôn nhân tại trạm y tế xã/phường và 35,0%  đi khám tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản. 

Mức độ hài lòng của VTN/TN khi đi khám sức khỏe trước khi kết hôn:  Địa điểm cung cấp dịch vụ; bảo đảm tính riêng tư là hai vấn đề được VTN/TN đánh giá hài lòng cao nhất nhất khi sử dụng dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân.

4.2. Thực trạng cung cấp dịch vụ tư vấn SKSS/KHHGĐ cho VTN/TN và khám sức khỏe tiền hôn nhân

4.2.1. Cơ sở pháp lý của chương trình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân

Về chỉ đạo điều hành: Tại tuyến TW đã ban hành các văn bản đề cập đến vấn đề này. Tại các địa phương cũng đã triển khai tại tuyến tỉnh và tuyến huyện. Tại tuyến xã, các xã không ban hành văn bản chỉ đạo, chỉ xây dựng kế hoạch hàng năm.

Về kiểm tra, giám sát: Triển khai tại các địa phương chưa thường xuyên, liên tục, kể cả qua hình thức kiểm tra trực tiếp và qua báo cáo. 

Về sơ kết, tổng kết: Trung ương không có hướng dẫn để các địa phương thực hiện sơ kết, tổng kết, do vậy, hầu hết các địa phương không tổ chức sơ kết, tổng kết các hoạt động của mô hình.

Phối hợp liên ngành: Việc phối hợp giữa Sở Y tế (Chi cục DS-KHHGĐ là cơ quan điều phối) với các ngành thành viên còn nhiều bất cập, không phải địa phương nào cũng có văn bản phối hợp để triển khai thực hiện nhiệm vụ.

4.2.2. Độ bao phủ về mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ

Cung cấp thông tin về  SKSS/KHHGĐ: Hoạt động truyền thông rất đa dạng, phong phú với nhiều hình thức và nội dung khác nhau.

Xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên đồng đẳng: Hiện tại mỗi câu lạc bộ có từ 5-7 người, lực lượng này được lựa chọn trong cộng đồng, tuy nhiên việc thiết lập gặp nhiều khó khăn, do hạn chế về kinh phí và sự biến động của hệ thống những tuyên truyền viên.

Huy động VTN/TN tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ: Cả dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe đều khó tập trung, huy động được đối tượng đích tham gia. 

4.2.3. Độ bao phủ về nhân lực tham gia cung cấp dịch vụ

Với dịch vụ tư vấn SKSS, KHHGĐ: Nhân lực tham gia truyền thông, tư vấn SKSS/KHHGĐ còn nhiều bất cập. Lực lượng tham gia truyền thông, tư vấn về SKSS/KHHGĐ chưa thống nhất giữa các địa phương. Ban chỉ đạo DS-KHHGĐ cấp xã, cấp huyện còn thiếu thông tin về hoạt động của mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, do vậy sự vào cuộc, công tác phối hợp trong triển khai chưa chặt chẽ. Ngay trong một phường người đứng đầu các câu lạc bộ hiện nay chưa thống nhất.

Với dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân: Hiện không có kinh phí hỗ trợ đào tạo cho cán bộ cung cấp dịch vụ tại các cơ sở y tế nên không có số liệu thống kê về nhân lực cung cấp dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân. 

4.2.4. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở cung cấp dịch vụ

Với dịch vụ tư vấn: Nhiều địa phương phòng, góc tư vấn của chương trình còn sử dụng chung phòng làm việc của cán bộ chuyên trách dân số, của trạm y tế, phòng của chi đoàn trong nhà trường, thậm chí nhiều nơi chưa có điểm tư vấn.

Với dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân: Hàng năm trung ương và địa phương không có ngân sách hỗ trợ các cơ sở ở y tế đầu tư trang thiết bị cung cấp dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân.

4.2.5. Phương thức tổ chức cung cấp dịch vụ

Việc cung cấp dịch vụ khám sức khỏe cho VTN/TN trước khi kết hôn diễn ra theo nhiều hình thức, như Trung tâm DS-KHHGĐ ký hợp đồng với BVĐK huyện triển khai cung cấp dịch vụ khám sức khỏe cho VTN/TN trước khi kết hôn hoặc Trung tâm DS-KHHGĐ phối hợp với xã/phường mời cán bộ Trung tâm Y tế, Bệnh viện Đa khoa huyện về Trạm Y tế tổ chức khám sức khỏe cho VTN/TN tại Trạm y tế.

4.3. Một số yếu tố liên quan đến nhu cầu và khả năng tiếp cận dịch vụ tư vấn SKSS/KHHGĐ của VTN/TN và khám sức khỏe tiền hôn nhân

4.3.1. Các yếu tố về đặc điểm nhân khẩu xã hội của VTN/TN

Có sự khác biệt giữa các nhóm dân cư về giới tính, nghề nghiệp, trình độ học vấn, dân tộc, tôn giáo trong nghe/biết nội dung tư vấn, có nhu cầu tiếp cận dịch vụ tư vấn và đã tiếp cận dịch vụ tư vấn SKSS/KHHGĐ và dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân. 

4.3.2. Các yếu tố về thực trạng cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân

Tính sẵn có của dịch vụ: Với dịch vụ tư vấn SKSS/KHHGĐ, hiện tại số buổi sinh hoạt hoạt của các câu lạc bộ không thống nhất, số buổi còn ít nên người dân rất khó bố trí thời gian để tham gia. Với dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân, khoảng 90% VTN/TN đi khám đều theo chương trình, và không mất tiền nên các cơ sở y tế chỉ đáp ứng và cung cấp các dịch vụ tối thiểu.

Điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị: Với dịch vụ tư vấn, điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị, còn nghèo nàn, tạm bợ. Với dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân, điều kiện của các cơ sở y tế không ảnh hưởng đến nhu cầu tiếp cận của VTN/TN.

Nguồn lực đầu tư: Kinh phí đầu đầu tư cho chương trình tư vấn, khám sức khỏe ngày càng eo hẹp đã ảnh hưởng đến khả năng cung cấp dịch vụ.

4.4. Đề xuất một số giải pháp về việc ban hành một số văn bản pháp lý nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tư vấn SKSS/KHHGĐ và khám sức khỏe tiền hôn nhân

- Truyền thông vận động xã hội

- Tổ chức mạng lưới cung cấp dịch vụ, cơ chế phối kết hợp giữa các tuyến, các ngành, các tổ chức đoàn thể XH

- Hoàn thiện cơ sở pháp lý

Chương trình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân chỉ nên khuyến khích mà không nên thành quy định bắt buộc. Vì nhận thức người dân còn hạn chế, nhu cầu sử dụng chưa cao, mặt khác nhiều nước trên thế giới hiện nay vẫn chưa quy định bắt buộc VTN/TN phải đi khám sức khỏe trước khi kết hôn. 

5. Khuyến nghị

Đối với Bộ Y tế

- Xây dựng đề án tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân độc lập, một phần vừa nâng cao hiệu quả hoạt động của đề án, vừa có căn cứ phân bổ nguồn nhân lực. 

- Chỉ đạo để cơ sở y tế công lập chủ động hơn trong việc tham gia phối hợp cung cấp dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân cho VTN/TN.

- Tổ chức các lớp đào tạo mới, đào tạo lại cho những người là tuyên truyền viên đồng đẳng. Cần lựa chọn tuyên truyền viên phù hợp đặc thù theo từng mô hình, với mô hình triển khai tại cộng đồng.

- Huy động nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để hỗ trợ, tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình. 

Đối với Chi cục DS-KHHGĐ tuyến tỉnh

- Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục về tầm quan trọng, mục đích của việc tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn tới đa dạng đối tượng.

- Cần phân định rõ nội dung tuyên truyền, tư vấn, gói dịch vụ khám theo từng độ tuổi và từng nhóm đối tượng.

- Đưa mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân triển khai trong trường học để tranh thủ được nguồn lực, cơ sở vật chất của nhà trường, phải xây dựng cơ chế phối hợp giữa ngành giáo dục và ngành y tế.

- Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện chương trình tại các địa phương.

 

 

Ngày 15/01/2019
Viện Chiến lược và Chính sách Y tế  
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.