TRANG CHỦTÌM KIẾMSƠ ĐỒ WEBSITELIÊN HỆ
 Thứ tư, Ngày 08 Tháng 05 Năm 2024  [ENGLISH]
  Đang truy cập: 17  
 
2 7 8 4 4 8 1 9
 
 
Các nghiên cứu khoa học Tài chính y tế
Nghiên cứu phân tích chi phí - hiệu quả các can thiệp phòng chống tác hại thuốc lá

Nghiên cứu thuộc thành phần “Phân tích Chi phí – Hiệu quả” của Dự án “Cung cấp bằng chứng khoa học cho quá trình hoạch định chính sách y tế tại Việt Nam” (Dự án VINE)

I. Đặt vấn đề
Thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới và tại Việt Nam. Bệnh tật và tử vong do hút thuốc lá gây tổn thất nặng nề về sức khỏe và kinh tế đối với các cá nhân và toàn xã hội. Chính phủ Việt Nam đã ban hành "Chính sách quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá" trong giai đoạn 2000 – 2010 và soạn thảo Dự luật Phòng chống tác hại thuốc lá với mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá và giảm tổn thất do thuốc lá gây ra cho mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Chọn lựa biện pháp nào, mức độ can thiệp sâu ra sao, và hiệu quả của chúng như thế nào là những câu hỏi quan trọng cần có câu trả lời với độ tin cậy cao để giúp chính phủ hoạch định chính sách về phòng chống tác hại thuốc lá.

II. Mục tiêu nghiên cứu
Cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam bằng chứng khoa học về chi phí và hiệu quả các chính sách can thiệp phòng chống tác hại thuốc lá và đề xuất lựa chọn các chính sách can thiệp nhằm làm giảm tác hại thuốc lá.  

III. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích chi phí-hiệu quả (CEA) và mô hình bảng sống đa trạng thái (multi-state life-table model) để phân tích chi phí – hiệu quả của 4 chính sách can thiệp phòng chống tác hại thuốc lá, bao gồm: (1) Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá; (2) Cảnh báo tác hại của thuốc lá lên sức khỏe bằng hình ảnh; (3) Các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ về tác hại của thuốc lá; (4) Cấm hút thuốc nơi làm việc và nơi công cộng trong nhà.

IV. Kết quả nghiên cứu
Can thiệp cảnh báo tác hại của thuốc lá bằng hình ảnh là ít tốn kém nhất (1,492 triệu đồng). Kế tiếp là can thiệp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá (11,827 triệu đồng). Chi phí cho can thiệp thực hiện các chiến dịch truyền thông là rất tốn kém (147,558 triệu đồng). Can thiệp cấm hút thuốc lá nơi làm việc và công cộng trong nhà là tốn kém nhất (213,850 triệu đồng).
Hiệu quả về mặt sức khỏe của việc tăng thuế phụ thuộc vào mức độ tăng thuế. Khi thuế tiêu thụ đặc biệt tăng từ mức 55% lên mức 65% sẽ phòng tránh được 1,390 triệu DALYs, mức thuế tăng lên 75% và 85% con số DALYs phòng tránh được tương ứng là là 2,788 triệu và 4,050 triệu. Can thiệp cấm hút thuốc nơi công cộng trong nhà sẽ phòng tránh được 3,099 triệu DALYs. Cấm hút thuốc nơi công sở phòng tránh được 637 triệu DALYs, mang lại lợi ích sức khỏe ít nhất trong tất cả các can thiệp được xem xét. Cảnh báo bằng hình ảnh là một can thiệp rất hiệu quả (phòng tránh được 2,996 triệu DALYs). Can thiệp thực hiện các chiến dịch truyền thông phòng tránh được 1,873 triệu DALYs.
Tất cả các can thiệp đều “rất hiệu quả” so với chuẩn chi phí - hiệu quả của WHO. Cảnh báo bằng hình ảnh là can thiệp có chi phí - hiệu quả nhất (558 đồng/DALY phòng tránh). Tăng thuế là can thiệp hiệu quả thứ hai, và mức thuế càng cao thì càng hiệu quả: 8,600 đồng, 4,215 đồng và 2,902 đồng trên 1 đơn vị DALY phòng tránh cho các mức tăng thuế từ 55% đến 65%, 55% đến 75% và 55% đến 85%. Tỷ số ICER của can thiệp chiến dịch truyền thông là 67,900 đồng/DALY phòng tránh, cấm hút thuốc nơi cộng cộng trong nhà là 78,260 đồng/DALY phòng tránh và cấm hút thuốc nơi công sở là 336,800 đồng/DALY phòng tránh.

V. Kết luận
•    Cả bốn can thiệp đều “rất hiệu quả” so với chuẩn chi phí - hiệu quả của WHO trong cả 2 trường hợp: không tính hoặc tính cả phần bù đắp chi phí.
•    Can thiệp Cảnh báo bằng hình ảnh là can thiệp có chi phí - hiệu quả nhất, tiếp theo là tăng thuế, thực hiện chiến dịch truyền thông, cấm hút thuốc lá nơi công cộng và cuối cùng là cấm hút thuốc lá nơi công sở.

VI. Khuyến nghị
•    Thực hiện các can thiệp Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá; Cảnh báo tác hại của thuốc lá lên sức khỏe bằng hình ảnh; Các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ về tác hại của thuốc lá; Cấm hút thuốc nơi làm việc và nơi công cộng trong nhà trên có thể cải thiện được sức khỏe của dân số và tiết kiệm được chi phí phải chữa trị các bệnh liên quan đến thuốc lá trong tương lai.
•    Tất cả các can thiệp đều nên được đưa vào ưu tiên khi đề xuất chính sách phòng chống tác hại thuốc lá.
•    Trong điều kiện cần ưu tiên nguồn lực và lựa chọn các can thiệp theo thứ tự ưu tiên thì can thiệp cảnh báo tác hại của thuốc lá bằng hình ảnh là hiệu quả nhất, tiếp theo là tăng thuế, thực hiện chiến dịch truyền thông, cấm hút thuốc lá nơi công cộng và cuối cùng là cấm hút thuốc lá nơi công sở.
 

Ngày 25/07/2011
 
In trangXem & inGửi mailĐầu trangTrở lại
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 TÁC NGHIỆP
Trang thông tin điện tử Viện chiến lược và chính sách Y tế 
Địa chỉ:Ngõ 196 - Đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại:84-4-38234167. Fax:84-4-38232448.
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử số: 47/GP-BC
do Cục báo chí Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 25/04/2005.